Di sản Hsinbyushin

Hsinbyushin là một trong những vua nổi tiếng nhất của Miến Điện, được ca ngợi vì những chiến tích đánh Xiêm và Thanh. Chiến thắng 4 lần xâm lược của quân Thanh dưới thời Hsinbyushin được xem là thắng lợi quân sự vẻ vang nhất trong lịch sử Miến.[36] Chiến thắng Xiêm La năm 1767 có lẽ đứng hạng nhì. Sử gia Victor Lieberman viết: "Những thắng lợi gần như cùng lúc trước Xiêm (1767) và Trung Quốc (1765–1769) bộc lộ một hào khí thật sự mãnh liệt đến kinh ngạc chưa từng có từ thời Bayinnaung."[2] Còn sử gia Harvey thì viết Hsinbyushin không chỉ duy trì mà còn che khuất truyền thống quân sự huy hoàng của Alaungpaya.[37]

Các cuộc chiến của Hsinbyushin đã để lại nhiều di sản tới ngày nay bao gồm việc định hình biên giới Trung-Miến, Thái-Miến, và quan hệ Thái-Miến hiện đại. Chiến thắng của Miến đánh quân Thanh đã đặt nền tảng cho sự hình thành của biên giới Trung-Miến ngày nay. Vùng lãnh thổ rộng lớn từ bang Kachin ngày nay tới bang Shan hướng bắc và đông đến nay vẫn thuộc về Miến, đó là nhờ Hsinbyushin chặn được sự xâm lược của Thanh. Thứ hai, cuộc chinh phục Xiêm 1765-1767 dù về lâu dài không thành công nhưng cũng thu được Tenasserim vào bản đồ miến tới ngày nay. Người Xiêm đã cai quản vùng ven biển suốt 5 thế kỷ trước thời Hsinbyushin. Mất Tenassarim, họ tiếc nuối nên nhiều lần thúc quân sang cố giành lại nhưng chưa bao giờ được. Tuy nhiên, thời Hsinbyushin chứng kiến Miến Điện mất Lan Na sau 2 thế kỷ đô hộ. Nếu Hsinbyushin sống lâu hơn, có lẽ ông cũng không thể chiếm lại vùng này vì trên thực tế, em ông là vua Bodawpaya là một nhà quân sự có tài nhưng nhiều lần đánh Lan Na vẫn không lấy lại được

Một di sản quan trọng khác đó là sự thù địch lâu dài của dân Thái đối với dân Miến. Dù Miến với Xiêm đã đụng độ rất nhiều lần trước thời Hsinbyushin, mối thù này thực sự bắt đầu từ khi nhà vua tàn phá đô thành Ayutthaya không chút thương xót vào năm 1767.[38] Một sử thần Xiêm đã viết: "Vua Hanthawaddy (Bayinnaung) dùng binh giống như một quân vương nhưng vua Ava (Hsinbyushin) thì giống một tên cướp".[39] Các cuộc chiến Xiêm-Miến thời trung đại được tiến hành giữa các vua hơn là giữa hai dân tộc, nhưng cũng đủ làm dấy nên cảm giác ghét Miến trong tâm thức người Thái. Sự thù tức này được biểu lộ qua việc chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách "vùng đệm", tạo nên nương náu cho các nhóm dân tộc thiểu số chống Miến dọc theo biên giới, thậm chí có khi còn tích cực ủng hộ và "tài trợ" các nhóm này.[40] Các sắc dân Shan, Mon và Karen không thể chống phá chính phủ Miến lâu dài nếu không có chính phủ Thái ủng hộ, dù là ngầm hay công khai.